Monday, April 9, 2012

Võ Đường Bình Định

1. Võ đường Phan Thọ do võ sư Phan Thọ làm chủ môn phái, ông sinh năm 1928, quê quán thôn 4, xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn.

Phan Thọ học võ từ năm 18 tuổi, bái sư cụ Cai Bảy (chính danh Nguyễn An, con cả của cố lão sư Hương mục Ngạc nổi tiếng thời Pháp thuộc). Năm 24 tuổi, sau khi đã tinh thông những bài bản cao thâm của thầy Cai Bảy, dù đã lập gia đình và có đứa con trai đầu lòng, ông vẫn quyết bán đôi bò cày, một tài sản lớn lúc bấy giờ để lấy tiền chuyên tâm tầm sư học đạo. Khi ở làng võ An Vinh thì học thầy Sáu Hà, rồi qua làng võ An Thái học cụ Tàu Sáu (Diệp Trường Phát), lên làng võ Thuận Truyền học sư Hồ Ngạnh. Cứ như vậy ông học hỏi và luyện tập võ thuật suốt 20 năm ròng. Nhờ kiên tâm khổ luyện, Phan Thọ là một trong những võ sư hiếm hoi hiện nay tinh thông thập bát ban binh khí, biểu diễn rất bài bản, tuyệt chiêu một số bài quyền, roi: Quyền pháp Ngọc Trản, Tiên Ông, Thần Đồng, Bát Quái, Ngũ Hành, Lão Mai; đao pháp Siêu xung thiên, côn pháp Bát quái… Ngoài ra, ông còn áp dụng thông thạo các loại binh khí hiếm gặp, chỉ lưu truyền ở lòng dân bản địa mà dân gian gọi là võ thế, võ vườn như võ đòn sóc (đòn gánh hai đầu nhọn), võ bồ cào (chỉa ba mũi nhọn)…

Theo các võ sư ở Bình Định, Phan Thọ là lão võ sư có bộ tay biểu diễn võ thuật hay nhất trong giới võ sư võ cổ truyền Bình Định hiện nay. Mỗi khi võ sư Phan Thọ đi quyền, người ta thấy được cái thực và chính là cốt lõi võ học lộ ra trong những đường chuyển động bao hàm sự cao siêu lẫn giản dị như những lẽ phải trong cuộc sống đời thường. Võ đường Phan Thọ hiện có khá đông môn sinh đang sinh sống, lập nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Lão Võ sư Phan Thọ biểu diễn song chùy.

2. Võ đường Hồ Ngạnh do võ sư Hồ Sừng làm chủ môn phái, ông sinh năm 1938, quê quán thôn Hòa Mỹ (từ làng võ Thuận Truyền tách ra), xã Bình Thuận, huyện Tây Sơn.

Nếu tính từ đời cố lão sư danh tiếng Hồ Ngạnh (tên thực là Hồ Nhu) đến đời võ sư Hồ Sừng và lớp con cháu hiện nay thì võ đường họ Hồ ở đất Thuận Truyền đã có 5 thế hệ chung tay phát huy sự nghiệp võ nghệ của tiên tổ. Đây là một trong những võ đường có truyền thống lâu đời và có nhiều đóng góp cho võ cổ truyền Bình Định nói riêng võ cổ truyền Việt Nam nói chung.

Kể chuyện làng võ Thuận Truyền không thể không nhắc đến huyền thoại Hồ Nhu. Ngôi nhà võ đường họ Hồ hiện nay cũng chính là nơi xưa kia cố lão sư Hồ Nhu sinh sống và tập võ, truyền võ. Võ đường Hồ Ngạnh hay làng võ Thuận Truyền này được nhắc đến nhiều bởi môn roi. Các bài roi Thất bộ, Thái Sơn, Bát quái, Tứ môn, Ngũ môn, Trực chỉ, Tấn nhất, Tiên ông… rồi ngay cả Lạc côn - bài roi của cố lão sư Hồ Nhu (ông nội võ sư Hồ Sừng) vốn được xem là di sản văn hóa phi vật thể quý hiếm của làng võ cổ truyền Thuận Truyền cũng là tài sản vô giá của võ cổ truyền Bình Định. Đường roi Thuận Truyền cũng như võ đường Hồ Ngạnh đã được lan tỏa, phát huy mọi nơi trong các làng võ cổ truyền ở Bình Định và một số tỉnh, thành trong cả nước.

Võ sư Hồ Sừng.

3. Võ đường Lý Tường do võ sư Lý Xuân Hỷ làm chủ môn phái, ông sinh năm 1940, quê quán thôn Phương Danh, thị trấn Đập Đá, huyện An Nhơn. Một võ đường có truyền thống lâu đời và nổi danh trong các làng võ Bình Định.

Du khách ở đâu tìm đến gặp võ sư Lý Xuân Hỷ đều được ông mời ra sân tập để nói chuyện. Lúc cao hứng, ông bảo khách ráp thế, bắt một vài đòn đánh cho vui. Với lối nói chuyện dí dỏm “rặt chất nẫu” và dụng nghệ thuật biểu diễn võ để mạn đàm của ông đem lại thú vị và ngạc nhiên cho du khách.

Năm 18 tuổi ông đã tinh thông quyền cước và những đòn roi sở trường của võ cổ truyền Bình Định, người thầy truyền lại là cố lão sư Lý Tường, cha của Lý Xuân Hỷ.

Mãi đến năm 1990, bài quyền Miêu tẩy diện do ông thể hiện mới có dịp trình ra thế giới. Lần ấy, ông cùng Liên đoàn Võ thuật Việt Nam sang Nga thi đấu. Đối thủ của ông là một võ sư người Ba Lan cao lớn, vượt hạng cân ông gần 10 kg. Đến giờ thượng đài, thấy ông đứng yên chẳng thủ thế gì, võ sư Ba Lan ngạc nhiên hỏi sao không chuẩn bị. Ông trả lời “Võ cổ truyền Việt Nam là vậy, đứng chơi chơi đã là thủ rồi”. Nghe xong, đối phương điên tiết xông vào. Võ sư dụng thế nghiêng nghểnh mặt mèo rồi đảo tay đưa đòn chỏ một phát đối phương đã ngã xụi lơ. Trong khi quan khách còn đang ngỡ ngàng, đối phương lồm cồm bò dậy. Bất ngờ anh ta quỳ sụp xuống bái Lý Xuân Hỷ làm sư phụ. Võ sư Lý Xuân Hỷ có thế đòn chỏ khá tuyệt chiêu, các võ sư nổi danh ở những làng võ cổ truyền Bình Định ai ai cũng thán phục. Võ đường Lý Tường là một trong những lò võ cổ truyền có khá nhiều môn sinh đạt giải cao trong các kỳ liên hoan, đại hội, so găng tranh tài.

Võ sư Lý Xuân Hỷ.

4. Võ đường Lê Xuân Cảnh do võ sư Lê Xuân Cảnh làm chủ môn phái, ông sinh năm 1938, quê quán thôn Cẩm Văn, xã Nhơn Hưng, huyện An Nhơn.

Ông học võ từ năm 15 tuổi, với người thầy đầu tiên là cố lão sư Lý Tường. Sau hơn một năm thọ giáo nhà họ Lý, Lê Xuân Cảnh quyết định lên đường học hỏi thêm, rong ruổi tầm sư học đạo. Ông đã tìm đến xin làm đệ tử thầy Phạm Thế Giáo ở An Nhơn, rồi thầy Bửu Thắng ở Tuy Phước.

Sau thời gian dài rong ruổi học võ, Lê Xuân Cảnh trở về sinh sống tại quê nhà. Vốn tính tình hiền hòa, trầm lắng, không thích khoa trương, nên ông ít khi tham gia thi đấu võ đài hoặc so tài võ nghệ với các võ sư, võ sĩ. Thực ra, Lê Xuân Cảnh đã có vài lần so tài với một số võ sư nổi danh đương thời trong những trường hợp do đối phương thách đấu. Võ sư đã dụng nhiều thế roi làm cho đối phương bái phục.

Sau 1975, ông mở võ đường tại quê nhà. Từ những gì đã tiếp thu được trong 15 năm lặn lội tầm sư học võ, Lê Xuân Cảnh chắt lọc những điểm tinh túy nhất của từng môn phái rồi hình thành bí quyết của mình để rồi truyền dạy cho các môn sinh. Rất nhiều võ sinh của võ đường Lê Xuân Cảnh có khả năng biểu diễn các bài võ binh khí khá tuyệt chiêu như Song đao, Song phủ, Độc kiếm, Song kích…và đặc biệt là sở trường về roi với các bài roi Thái Sơn, Trực chỉ, Bát quái… Ngay trong lứa học trò đầu tiên của ông - võ sinh Bảo Thương, cô học trò của Lê Xuân Cảnh khi được cử đi tham gia Liên hoan Quốc tế võ thuật tại Nga, đã xuất sắc giành Huy chương Vàng với bài roi Bát quái.

Thời gian gần đây, Lê Xuân Cảnh đã phục dựng và đào tạo đội võ sinh biểu diễn thi đấu cờ người rất độc đáo ở An Nhơn nhằm phục vụ các dịp hội lễ và đào tạo các đội múa lân thể hiện võ thuật trong biểu diễn khá đặc sắc.

Võ sư Lê Xuân Cảnh.

5. Võ đường Phi Long Vịnh do võ sư Phi Long Vịnh (Trương Văn Vịnh) làm chủ môn phái, ông sinh năm 1935, quê quán thôn Kỳ Sơn, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước.

Võ đường Phi Long Vịnh, gia truyền từ đời ông cố của võ sư Phi Long Vịnh tạo dựng. Cha của ông là lão sư Trương Văn Cẩn, năm nay 96 tuổi.

Phi Long Vịnh học võ lúc 9 tuổi, do ông nội truyền lại, rồi từ người cha là Trương Cẩn, từ bác ruột Trương Ninh, sau đó thọ giáo thầy Trương Hoàng (Ba Chăm), thầy Trương Xuân Ba (Sáu Hòa). Năm 18 tuổi, Phi Long Vịnh bắt đầu thượng đài và cả thời trai trẻ của ông gắn liền với những trận so găng khắp Trung, Nam Việt Nam.

Bài quyền Ngọc trản hiện được lưu truyền và phổ biến rộng rãi ở Bình Định cũng như ở Việt Nam trong các làng võ cổ truyền với luyện tập công phu, tấn công toàn diện, kết hợp cương nhu, có những thế né tránh, phản đòn lợi hại; khi di chuyển thì linh hoạt, nhẹ nhàng; khi ra đòn thì nhanh và mạnh. Người biểu diễn bài quyền Ngọc trản có thần nhất hiện nay là võ sư Phi Long Vịnh. Võ sư Vịnh có thể biểu diễn bài quyền này chỉ trong phạm vi một chiếc chiếu (rộng 1,2m, dài 1,6m). Bài quyền Ngọc trản đã được võ sư biểu diễn ở Châu Âu trước bạn bè quốc tế trong dịp khai mạc trọng thể Quán khí đạo quốc tế 2007 tại Ý và đã được Ban tổ chức Quán khí đạo quốc tế tặng Bằng danh dự Đại danh sư Phi Long Vịnh.

Võ sư Phi Long Vịnh.

6. Cơ sở võ cổ truyền chùa Long Phước do võ sư Thích Hạnh Hòa làm chủ môn phái, ông sinh năm 1954, là Thượng tọa trú trì chùa Long Phước tại thôn Tân Thuận, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước.

Võ sư Thích Hạnh Hòa khẳng định mạch võ cổ truyền Bình Định vô cùng đa dạng và phong phú và chùa Long Phước đang lưu giữ tinh hoa một phái võ của mạch võ cổ truyền Bình Định.

Tháng 10.1988 một sự kiện đã diễn ra ngay tại sân chùa Long Phước - đó là giải võ cổ truyền của Đại hội Thể dục Thể thao tỉnh Nghĩa Bình (nay là tỉnh Bình Định và tỉnh Quảng Ngãi). Lúc đó thời tiết mưa bão, nước ngập đường vậy mà hầu như các đoàn võ cổ truyền về dự đều có mặt tại điểm hẹn. Đây cũng là lần đầu tiên các phái võ cổ truyền tỉnh Nghĩa Bình lúc bấy giờ cùng nhau so tài, biều diễn với nhau trên cùng một võ đài tại chùa. Những tiết mục roi, thương, đao, kiếm; những tên bài quyền, bài roi lạ tai và uy lực do các võ sinh trẻ tuổi từ cơ sở võ cổ truyền chùa Long Phước biểu diễn đã tạo ấn tượng khó quên trong tâm trí người xem.

Võ sư - Thượng tọa Thích Hạnh Hòa đã truyền dạy rất nhiều võ sinh, và phái võ chùa Long Phước được xem là một trong những võ đường có nhiều nét bí truyền độc đáo. Những bài võ tiêu biểu của cơ sở chùa Long Phước như bài roi: Xích kiếm ô long tiên, Hoa tiên, Tây quy kinh môn tiên, Lăng tiên…; các bài thương như: Lang kinh kim thương, Thiết đinh kim thương, Hồng môn thương…; các bài kiếm như: Sa vân kiếm pháp, Đăng vân sát kiếm…

Phái võ cổ truyền chùa Long Phước từ lâu là niềm tự hào của miền đất võ Bình Định, mạch võ từ ngôi chùa này đã làm phong phú thêm và tiếng vang xa của miền đất võ Bình Định, Việt Nam.

No comments:

Post a Comment