Núi
hùng vĩ điệp trùng, cao phong tiếu bích vươn đến trời xanh, nhưng núi đẹp là
nhờ mây. Sông mênh mông bát ngát, uốn khúc lượn lờ hay cuồng nộ thét gầm, nhưng
sông linh là nhờ có giao long, thủy quái. Rừng bạt ngàn huyền bí nhưng rừng
thâm u quyến rũ là nhờ có dị sĩ cao nhân. Khách hảo hán giang hồ phiêu bồng
lang bạt mang bản chất hào sảng khoáng đạt một phần là nhờ rượu.
Văn
học Trung quốc qua bao thời đại không thiếu thơ văn ca ngợi rượu. Thậm chí rất
nhiều.
Thông thường người ta
chia ra làm ba cách uống rượu: tục tửu, thường tửu và tiên tửu. Tục tửu là uống
đến chỗ phóng đãng bừa bãi, không làm chủ được mình. Thường tửu là uống xong
cho sảng khoái, uống chỉ vì thích uống mà thôi. Tiên tửu là uống rượu như một
thứ trợ hứng để bàn về thi ca, nghệ thuật nhằm di dưỡng tinh thần. Đến Kim Dung
thì chén rượu lại được điểm xuyến thêm một phần ý vị nữa: đó là chén rượu lãng
mạn hào hùng giữa chốn giang hồ.
Đối
với cuộc sống rong ruỗi phiêu bạt của khách võ lâm, có thể trong buổi tiễn đưa
hoặc buổi trùng lai thiếu tiếng đàn tiếng hát nhưng chắc chắn trong nỗi buồn li
biệt hay trong niềm vui hội ngộ đó luôn luôn có rượu. Chung quanh chén rượu và
ngay trong chén rượu có biết bao nhiêu tâm sự của muôn vạn mãnh đời. Khắp võ
lâm, từ trà đình tửu quán cho đến chốn núi thẳm rừng sâu, hễ nơi đâu có mặt hảo
hán giang hồ là y như nơi đó có rượu.
Một
điều đáng ghi nhận là trong tác phẩm Kim Dung, hầu như những nhân vật nào đam
mê rượu cũng đều có tâm hồn hào sảng, phóng khoáng. Đó là một Tiêu Phong kiêu
dũng, một Hồng Thất Công cương trực, một Lệnh Hồ Xung khoáng đạt, một Đan Thanh
hào phóng .v.v… Bang chủ Hồng Thất Công do tính ham rượu và nhậu nhẹt nên bị
Hoàng Dung dùng mẹo lừa để ông phải truyền tuyệt kĩ “Hàng long thập bát chưởng”
cho Quách Tĩnh. Đoàn Dự khi lang bạt giang hồ tìm Vương Ngọc Yến, thấy Tiêu
Phong ngồi uống rượu trên Tùng hạc lâu mà sinh cảm mến, cùng nhau uống rượu rồi
kết làm huynh đệ. Đó là cách uống rượu hào sảng của khách anh hùng. Đoàn Dự
dùng Thiếu trạch kiếm để tiết hết rượu ra khỏi người theo đầu ngón tay út mới
có thể đối ẩm với “đại tửu lâm cao thủ “ là Tiêu Phong. Đó là cách uống rượu
đầy tiểu xảo mà Đoàn Dự vô tình phát hiện.
Nếu
chén rượu đầy mưu trí của Lệnh Hồ Xung trên Trích Tiên tửu lâu khi lừa Điền Bá
Quang để cứu Nghi Lâm làm người đọc vừa buồn cười vừa thán phục thì chén rượu
thương đau của gã trên đỉnh Hoa Sơn lạnh buốt lại đắm chìm trong nỗi nhớ thương
cô tiểu sư muội Nhạc Linh San, làm cho người đọc ngậm ngùi. Một tên dâm tặc vô
hạnh như Điền Bá Quang lại biết lẻn vào hầm rượu của Trích Tiên tửu lâu đập vỡ
hết gần hai trăm vò rượu quí hiếm trên thế gian, chỉ giữ lại hai vò để mang lên
đỉnh Hoa Sơn cùng đối ẩm với Lệnh Hồ Xung, đã làm cho người đọc phát sinh hảo
cảm, dù gã đã bị cả hai phe hắc bạch khinh bỉ là hạng “vô ác bất tác đích dâm tặc”
(tên dâm tặc không có điều ác nào mà không làm). Thử hỏi trong đời có mấy ai
được uống một chén rượu chí tình đáng cảm động thế kia? Một chi tiết nhỏ đó
thôi chắc cũng đủ khiến cho tửu đồ khắp thiên hạ cùng nhau nâng chén rượu tha
thứ phần nào tội lỗi cho Điền Bá Quang! Đâu phải chỉ trong tiếng đàn, tiếng
tiêu cao nhã mới có thể tạo nên mối đồng cảm tri âm như Khúc Dương trưởng lão
và Lưu Chính Phong, mà một chén rượu đục trong chốn giang hồ vẫn đủ sức để tạo
nên mối tình tri ngộ giữa một người mang tiếng bại hoại và một môn đồ phe chính
giáo. Cái chân tâm trong chỗ giao tình vẫn luôn luôn nằm bên kia âm thanh cũng
như luôn luôn nằm đằng sau chén rượu! Rượu hay âm nhạc lúc đó chỉ là phương
tiện để con người tìm gặp nhau ở một điểm nào đó trong chổ ý hợp tâm đầu. Khi
Lệnh Hồ Xung tung chén rượu lên trời thành muôn ngàn giọt để cùng chia xẻ với
quần hùng hắc đạo trên đỉnh Ngũ Bá cương, Kim Dung đã cực tả tính hào sảng của
một gã tửu đồ giữa niềm thống khoái chân tình với hào kiệt giang hồ. Hình ảnh
kiêu hùng của Hướng Vấn Thiên khi bị trói đôi tay mà vẫn trầm tĩnh ngồi uống
rượu trong lương đình giữa vòng vây của hai phe hắc bạch, đã khiến Lệnh Hồ Xung
trổi dậy hào khí, liều lĩnh chen vào ngồi đối ẩm để cùng xẻ chia hoạn nạn.
Người đọc không ngạc nhiên vì sao sau này, khi Giáo chủ Nhật nguyệt thần giáo
Nhậm Ngã Hành thống lĩnh giáo chúng vây Hoa Sơn để tiêu diệt Ngũ nhạc kiếm
phái, đẩy Lệnh Hồ Xung vào thế đối địch, thì Hướng Vấn Thiên là người đầu tiên
bạo dạn cùng uống với Lệnh Hồ Xung một chén rượu cuối cùng ngay tại đương
trường trước khi chuẩn bị cho một trận huyết chiến sắp tới, dù biết rõ Nhậm Ngã
Hành đang ngấm ngầm phẫn nộ. Rồi lần lượt các tay hào kiệt khác trong Nhật
nguyệt thần giáo cũng can đảm bước ra cạn chén với Lệnh Hồ Xung dù trong thâm
tâm họ cũng hiểu rằng điều đó sẽ gây thịnh nộ cho Giáo chủ và cái giá phải trả
đằng sau chén rượu kia có khi là cái chết. Biết bao nhiêu hào khí hùng tâm chứa
chan trong một chén rượu nồng! Lệnh Hồ Xung kết giao hào kiệt giang hồ chủ yếu
bằng rượu. Gặp bất kì người nào sành rượu và thích uống rượu là giao tình nẩy
nở. Đối với Lệnh Hồ Xung dường như không có chính hay tà mà chỉ có rượu ngon
hay dở và nhất là người nâng chén rượu cùng uống có đáng mặt hảo hán để giao
kết hay không mà thôi. Lúc đó thì ân oán thị phi đều có thể hoà tan trong chén
rượu chân tình.
Khi
tình cờ bị vây hãm trên đỉnh Thiếu Thất bởi vô số những cao thủ cự phách, Tiêu
Phong trong cảnh lâm vào tuyệt địa vẫn hiên ngang uống rượu. Khi đánh lùi một
lúc cả ba đại cao thủ Du Thản Chi, Đinh Xuân Thu, Mộ Dung Phục, khiến Tiêu
Phong hào khí ngất trời, ông hô vệ sĩ mang mấy túi rượu uống cạn một lúc gần
hai mươi cân, rồi ngõ lời cùng Đoàn Dự: “Huynh đệ, ta và người hôm nay đồng
sinh tử, thật không uổng phí một phen kết nghĩa, sống cũng tốt mà chết cũng
tốt, chúng ta cùng nhau uống một trận cho thật thống khoái!” Hào khí bức người
của Tiêu Phong khiến nhà sư Hư Trúc cảm kích quên hết giới luật thanh qui, cùng
nhau cạn chén. Cảnh tượng một tay đại hào kiệt là Tiêu Phong cùng anh chàng đồ
gàn Đoàn Dự và nhà sư Hư Trúc làm lễ giao bái và uống rượu ngay trong vòng gươm
đao trùng điệp để chuẩn bị mở một trường đại sát thật láng lai hào khí của võ
lâm, khiến cho người đọc cảm thấy hùng tâm hứng khởi như đọc Sư kí Tư Mã Thiên
đến đoạn Thái tử Đan tiễn Kinh Kha qua sông Dịch. Đó không phải chén rượu liều
lĩnh của bọn dũng phu cùng đường, mà là chén rượu của những tay hào tuấn xem
cái chết như là “một cõi đi về” khi đã cảm nhận trọn vẹn được tấm chân tình của
nghĩa đệ huynh! Sống ở nhân gian mà có được một người tri kỉ thì có chết đi
cũng không đến nỗi uổng phí bình sinh!
Đáng
tiếc thay, ở phương Đông, cái tạm gọi là Tửu đạo đó lại không được lịch sử phát
triển thành một trào lưu như Trà đạo. Có lẽ vì nó giống như con dao hai lưỡi.
Kẻ non nớt dùng nó ắt sẽ bị đứt tay. Tiên tửu chưa chắc đã thấy đâu mà tục tửu
có thể đã ngập tràn trong thiên hạ! Chén rượu ngày nay đã mang quá nhiều tục
sắc. Tửu vị cho dẫu đã được nâng lên thêm mấy bậc nhưng tửu đạo lại bị hạ xuống
thấp mấy tầng! Giá như Tổ Thiên Thu và Đan Thanh sống lại ắt hẵn sẽ mời tất cả
các tửu đồ thượng thừa trong thiên hạ đời nay tụ tập lại để giảng cho nghe về
tửu đạo và cùng nhau lai rai một chén rượu giang hồ!
Tổ
Thiên Thu nói rằng: dùng chén uống rượu sơ sài như vậy là chưa hiểu hết cái cao
siêu trong tửu đạo. Muốn uống rượu phải nghiên cứu về chén uống rượu, rượu nào
thì dùng chén ấy.
Ví như uống rượu Phần tửu phải dùng chén Ngọc Uyển. Đời Đường có câu thơ: Ngọc Uyển thành lai hổ phách quan (chén ngọc long lanh màu hổ phách) thì có thể thấy chén ngọc có thể tăng thêm màu sắc rực rỡ cho rượu.
Ví như uống rượu Phần tửu phải dùng chén Ngọc Uyển. Đời Đường có câu thơ: Ngọc Uyển thành lai hổ phách quan (chén ngọc long lanh màu hổ phách) thì có thể thấy chén ngọc có thể tăng thêm màu sắc rực rỡ cho rượu.
Rượu
trắng Quan Ngoại, vị rượu rất ngon nhưng đáng tiếc là chưa đủ thơm, hay nhất là
dùng chén Tê giác để uống ,như vậy vị rượu mới thuần khiết không chê vào đâu
được. Nên nhớ rằng Ngọc Uyển làm tăng thêm sắc rượu, chén Tê giác làm tăng thêm
hương rượu, cổ nhân đã thử qua không phỉnh gạt bọn ta chút nào!
Ðến
như rượu Bồ Ðào thì dĩ nhiên phải dùng đến chén hổ quang. Cổ nhân có câu thơ
“Bồ Đào mỹ tửu dạ quang bôi, Dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi…”. Chén dạ quang là
vật trân quí hiếm trên đời. Rượu Bồ Đào đã có màu hồng mà bọn nam nhi chúng ta
uống vào thì không đủ hào khí. Chén dạ quang phát ra ánh sáng mới là tuyệt
diệu! Rượu Bồ Đào rót vào chén dạ quang lập tức màu rượu đỏ như huyết.
Uống
rượu cũng như uống huyết. Trong bài thơ của Nhạc Vũ Mục có câu: “Tráng chí cơ
xan hồ lổ nhục, Tiếu đàn khát ẩm hung nô huyết?” Chí khí của người tráng sĩ lấy
thịt rợ của rợ Hồ làm cơm ăn, cười nói đến khi khát nước thi uống máu giặc Hung
Nô, Như vậy có phải là hùng tráng không?
Còn
thứ rượu ngon này là rượu tối cổ ngẫu nhiên có người đem cho, ngẫu nhiên mà
uống. Nó là rượu cao lương. Thứ rượu này phải dùng chén “tước” đúc bằng đồng
xanh mới là có ý cổ kính. Thứ gạo làm rượu này cũng là thật tốt, nó vừa ngọt
vừa thơm, nên dùng thứ đấu lớn mà uống mới hợp ý rượu.
Uống
Bách Thảo Mỹ Tửu phải dùng chén Cổ Đằng. Cây Cổ Đằng sống trăm năm mới đẽo
thành chén, uống Bách Thảo Mỹ Tửu trong chén Cổ Đằng thì hương thơm
tăng lên bội phần. Có người nói khó tìm được cây Cổ Đằng trăm năm nhưng
bách niên mỹ tửu còn khó tìm hơn nữa. Nghĩ xem, cây Cổ Đằng trăm năm còn
có thể tìm thấy ở vùng hoang sơn dã lĩnh nhưng bách niên mỹ tửu thì ai ai cũng
muốn uống mà uống rồi thì hết. Một chén Cổ Đằng dù được uống một ngàn, vạn
lần thì vẫn nguyên xi là chén Cổ Đằng.
Uống
rượu Thiệu Hưng Trạng nguyên hồng phải dùng chén Dương Chi Bạch ngọc hay nhất
là chén đời Bắc Tống, chén đời Nam tống thì dùng tạm được nhưng đã có khí tượng
suy bại, còn chén đời Nguyên thì thì không tránh khỏi sự thô tục.
Còn
rượu Lê Hoa tửu này thì phải dùng chén Phỉ Thúy. Có câu thơ của Bạch Lạc Thiên
trong bài Xuân vọng rằng: “Thạch kỳ cổ tửu sấn lê hoa” (cờ xanh thêm sắc rượu
hồng Lê Hoa) thử nghĩ xem, tửu quán bán Lê Hoa tửu có treo lá cờ xanh hình giọt
nước xanh biếc ánh vào Lê hoa tửu cho thêm vẻ huyền bí. Uống Lê Hoa tửu phải
dùng chén Phỉ Thúy chính là vậy.
Uống
Ngọc Lộ tửu đương nhiên phải dùng chén Lưu Ly. Ngọc Lộ tửu sủi bọt như những
hạt châu li ti, dùng chén trong suốt mà uống thì không thể chê vào đâu được…
Ngoài ra, còn có chén ngà, chén răng hổ, chén da trâu, chén ống trúc..
Đọc
tác phẩm Kim Dung, ta biết được người Trung Quốc có nhiều thứ rượu danh tiếng:
Thiệu Hưng Nữ Nhi Hồng, Thiệu Hưng Trạng Nguyên Hồng, Trúc Diệp Thanh, Mai Quế
Lộ, Bách thảo tửu, Biên Tái tửu, Hầu Nhi tửu, Bồ Đào tửu, Ngũ Gia Bì, Kim Tước
tửu…
Đọc
Kim Dung, ta mới biết được phong cách uống rượu của người Trung Quốc: rượu
thường được hâm nóng trước khi uống, nhất là vào mùa đông. Thỉnh thoảng, trong
vài tình huống đặc biệt, khi công nghiệp làm nước đá chưa ra đời, tác giả đã để
cho nhân vật mình làm ra băng để uống rượu. Trong Tiếu ngạo giang hồ, có đoạn
Lệnh Hồ Xung cùng Hướng Vấn Thiên tìm về Cô Mai sơn trang ở Giang Nam gặp gỡ
Giang Nam tứ hữu. Để mời rượu Lệnh Hồ Xung giữa mùa hè nóng bức, Đan Thanh tiên
sinh đã nhờ anh mình là Hắc Bạch Tử dùng Hàn băng chưởng hóa nước thành ra nước
đá ướp lạnh rượu Bồ Đào Thổ Lỗ Phồn!
Đọc
Kim Dung, ta mới biết được những cách uống rượu khác nhau. Đối ẩm là hai người
uống, thường là tình nhân hoặc bạn hữu thân thiết. Độc ẩm là uống một mình,
trong lòng đang lo nghĩ hoặc tưởng nhớ. Cộng ẩm hay Quần ẩm là một nhóm người
cùng uống với nhau. Loạn ẩm là một đám đông cùng uống. Trong Tiếu ngạo giang
hồ, đoạn loạn ẩm hay nhất là đoạn bọn tà ma ngoại đạo thết tiệc Lệnh Hồ Xung để
lấy lòng Thánh cô Doanh Doanh. Thương nhau, quý nhau, người ta mới tặng rượu.
Quần hào Cái bang Trung Quốc, tuy là đi ăn mày, đáng lẽ chỉ xin cơm, thì người
ta còn xin cả rượu nữa.
Chén
rượu của Kim Dung đã làm cho những nhân vật của ông nổi tiếng. Hồng Thất Công
nổi tiếng chuyên uống rượu với thịt chó. Kiều Phong nhờ rượu mới phát huy được
thần oai, càng uống càng mạnh, càng tỉnh táo. Hư Trúc nhờ uống rượu phá giới mà
tìm ra được cô vợ sắc nước hương trời: công chúa Văn Nghi của nước Tây Hạ.
Thạch Phá Thiên nhờ uống hai thứ rượu độc mà hóa giải được sự xung đột của âm
dương nhị khí, đạt đến mức thượng thừa trong võ học… ở chừng mực nào đó, Kim
Dung đã nghĩ đến câu cổ thi:
Cổ
lai thánh hiền giai tịch mịch
Duy hữu ẩm giả lưu kỳ danh
(Xưa nay thánh hiền đều lặng lẽ
Chỉ người uống rượu mới còn danh)
_Lý Bạch_
Duy hữu ẩm giả lưu kỳ danh
(Xưa nay thánh hiền đều lặng lẽ
Chỉ người uống rượu mới còn danh)
_Lý Bạch_
Với
một chữ Rượu, Kim Dung đã vượt xa hơn bất kỳ nhà văn nào khác. Rượu của ông có
bài bản, có tính chất triết lý tề chỉnh. Nó góp phần làm nên cái đẹp cho đời
sống con người. Men rượu kết hợp với men tình, men võ khiến ta không “uống”
được tác phẩm mà lòng vẫn say.
No comments:
Post a Comment