MỘT NÉN HƯƠNG THẮP CHO MẸ THỨ
Mai Thanh Hải
Rạng sáng nay Mẹ đã về với các anh. Thời khắc 1 giờ 40 phút sáng, những ngọn đèn trên cầu quay Sông Hàn, cầu dây văng Thuận Phước đã cúi xuống, mờ đi để ánh sáng của ngôi sao Mẹ chầm chậm bay lên từ thành phố bên Sông Hàn đang say ngủ, ứa nước mắt khi thấy sao Mẹ tần ngần lần cuối nhìn vùng cát trắng Quảng Nam, nghẹn ngào trông mẹ chấp chới rơi vào vòng tay của hàng triệu ngôi sao Con, vẫn đang đêm ngày ngóng đợi Mẹ...
Sẽ có người Việt cùng máu đỏ da vàng không biết đến Mẹ. Nhưng chúng con, những người đã nằm xuống, những người còn đang sống và cả những người sẽ sống luôn ghi khắc trong lòng công ơn với Mẹ. Cũng như lịch sử dân tộc, luôn trân trọng: Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thứ (sinh 1904 - mất 2010, quê xã Điện Thắng, huyện Điện Bàn, Quảng Nam). Người Mẹ đã cống hiến 12 người thân cho sự nghiệp giải phóng đất nước.
12 chỉ là con số. Nhưng đứt ruột sinh ra 10 người con, nuôi 10 người con lớn lên, gạt nước mắt cho 10 người con cầm súng và vật vã, chết lên chết xuống khi lần lượt nhận được tin 9 người con của mình ngã xuống. Mất gần hết những núm ruột, đến con rể và 2 cháu gái cũng nằm xuống. Có nỗi đau nào hơn thế, mất mát tận cùng đến thế Mẹ ơi!.
Con đã từng ngồi lịm, run tay cầm cây bút nặng như thể quả núi, vạch từng nét chữ giữa trụ sở UBND xã cũng lặng phắc, để làm công việc của 1 thằng Nhà báo "Ghi lại thông tin về 12 núm ruột, giọt máu của Mẹ": 4 người hy sinh trong kháng chiến chống Pháp là các anh: Lê Tự Xuyến (hy sinh ngày 18-6-1948), Lê Tự Hàn (anh - hy sinh 5-10-1948), Lê Tự Hàn (em - hy sinh ngày 15-10-1948), Lê Tự Lem (hy sinh 1-4-1954); 8 người con, rể, cháu hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, gồm các con trai: Lê Tự Nự (hy sinh 5-9-1966), Lê Tự Mười (hy sinh ngày 14-4-1972), Lê Tự Trịnh (hy sinh 12-9-1972), Lê Tự Thịnh (hy sinh 28-8-1974) và Lê Tự Chuyền (hy sinh đúng ngày 30-4-1975); con rể Ngô Tường (hy sinh năm 1957) và 2 cháu ngoại Ngô Thị Điểu (hy sinh năm 1970), Ngô Thị Cúc (hy sinh 1973).
Nỗi đau chồng lên nỗi đau, nhưng Mẹ vẫn nén lại, đào hầm nuôi giấu cán bộ. Thời kháng chiến, ở khu vườn của rộng cả hecta, Mẹ đào 5 hầm bí mật và cùng con gái đầu Lê Thị Trị nuôi giấu không biết bao nhiêu bộ đội, du kích. Chở che núm ruột, giọt máu của các bà mẹ khác, Mẹ câm lặng, lụi hụi trông coi, tiếp tế cho những căn hầm bí mật. Mất con nhưng vẫn bền gan nuôi con, Mẹ dặn bộ đội: "Ban đêm hễ không có địch thì Mẹ để đèn sáng trên bàn thờ, còn lúc có địch thì không chong đèn"...
Lần đầu gặp Mẹ năm 2001, hồi ấy anh Phạm Văn Miên, Phó Tổng Biên tập Báo Công an nhân dân đưa lũ phóng viên lính mới tò te chúng con vào thăm Mẹ và ngắn gọn "Tiện xem cái nhà tặng cụ thế nào". Sách vở, nhà trường dạy chúng con nhiều điều, thế nhưng có điều chúng con không thể tưởng tượng nổi là nỗi đau lại chất chồng lên vai Mẹ nhiều đến như thế, nặng đến như thế và khủng khiếp đến như thế... Từ đường đất, chúng con men theo con đường lầm lụi cát trắng, rát bỏng dưới gan bàn chân và lại vào vườn cát, lơ thơ vài cây sắn còi cọc, vài luống khoai lang lá héo rũ bởi gió cát. Mẹ nhỏ nhoi, gầy yếu, nhăn nheo và còng lưng từ căn nhà lá cũ, chống gậy ra... tiếp khách. Con đã ngập ngừng bước vào căn nhà Báo Công an nhân dân xây tặng Mẹ, sững sờ trước cả khoảng trống rộng rãi trong căn nhà chỉ có duy nhất bộ bàn ghế và như khụy xuống trước 2 hàng khung treo ngay ngắn những tấm Bằng Tổ quốc ghi công, trên bàn thờ cũng 2 hàng bát hương loang khói...
Căn nhà xây lên, Mẹ để dành treo ảnh con cháu, Bằng Tổ quốc ghi công. Có nhà xây, những ảnh, những Bằng kia không còn bị nước dột khi mưa, không bị gió xô lệch khi bão gió đều đặn, thất thường. Mẹ mất tất cả rồi, nhà cao rộng cũng như không...
Mẹ ạ! Ở quê của con cũng có 1 nghĩa trang Liệt sĩ. Trong ký ức của cái thằng bé đeo khăn quàng đỏ, đánh trống ếch mỗi dịp 27-7 ngoài cổng nghĩa trang Liệt sĩ như con, vẫn không thể quên hình ảnh những bà, những mẹ, những chị quần ống thấp ống cao, nón lá tụt sau lưng, ôm những ngôi mộ xi măng đắp ngôi sao vàng, gắn hình những anh, chú, bác bộ đội trẻ măng, tươi rói mà gào khóc, mà nức nở. Những ngôi mộ ấy quây quần thành 3 cuộc chiến tranh: Chống Pháp, chống Mỹ và chống quân xâm lược Trung Quốc.
Ký ức của thằng bé con gần 10 tuổi, vẫn vẹn nguyên cảnh đứng nép bên đường, vẫy tay chào các chú bộ đội đứng chật thùng xe, nối nhau hàng đoàn ngược lên biên giới hồi tháng 2-1979; không thể nào quên những bà, những bác, những cô cơm nắm muối vừng lên Lạng Sơn, Bình Liêu, Hà Cối thăm các anh, các chú trên chốt biên cương. Và ở cái làng cuối sông Hồng, gần 10 người con đã về nghĩa trang từ biên giới phía Bắc, trong chiếc tiểu sành nâu sẫm, trên phủ lá cờ đỏ sao vàng, giữa hàng tiêu binh lưỡi lê sáng quắc. Và ở quê con, cũng có những bà, bác, cô hóa thành ngây dại, suốt ngày ôm tấm áo, chiếc ba lô người thân mà vuốt ve, cưng nựng hay hóa đá trước bàn thờ, Bằng Tổ quốc ghi công...
Trên đời này, không nỗi đau nào bằng nỗi đau mất người thân. Với mẹ, nỗi đau không chỉ nhân lên chục lần, mà còn đến vạn vạn lần. Đau đến mức không còn nước mắt để khóc, không còn sức để gọi con mỗi ngày giỗ. 2 cuộc chiến qua đi, đất Quảng Nam tuy vẫn vất vả, gian lao "chưa mưa đã thấm", nhưng mọi vết thương trên thịt da, rồi cũng lành lặn, nguôi ngoai. Nhưng với Mẹ, nỗi đau mất mát, vết thương lòng khó có thể lắng xuống.
Sách vở nói "Chiến tranh là một hiện tượng chính trị xã hội có tính chất lịch sử". Nhưng con thì thấm thía "con người ta sinh ra không phải để cầm súng bắn nhau" và rưng rưng "nghe đau thương chìm trong khói sương/ mây khói tan rồi, còn lại mẹ tôi". Trên đất nước này và ở ngay chính đất Quảng thân thương, còn rất nhiều bà mẹ ban ngày nén nỗi đau, ủ mất mát, để rồi ban đêm, nghe gió lùa ngoài khe cửa, nghe thạch sùng tặc lưỡi trên mái nhà mà vỡ ào nỗi đau bằng tiếng ho khan nấc nghẹn, thổn thức khóe mắt khô...
Hơn 36 năm kể từ khi con út Lê Tự Chiều hy sinh đúng vào ngày Đại thắng (30-4-1975), đã ai biết mỗi bữa ăn, Mẹ thường dọn đủ 9 chiếc bát, 9 đôi đũa và ngồi rủ rỉ nói chuyện cùng 9 đứa con đã nằm xuống. Mùi gạo mới quyện ngát khói hương.
Hơn 63 năm kể từ khi anh cả Lê Tự Xuyến hy sinh (18-6-1948), gần 23.000 đêm Mẹ mất ngủ, thon thót lo cho con, nhớ những kỷ niệm về con và lại rờ rẫm thắp hương cho con, chong đèn ngồi nói chuyện với những đứa con. Tàn hương cháy lập lòe trên bàn thờ, bừng lên trong mắt mẹ như bóng dáng thịt da con chơi đùa, nhảy nhót thửa thiếu thời...
Đất nước mình gian lao nhưng chưa bao giờ bình yên. Vẫn còn những bà mẹ ngóng trông, thương nhớ và cạn nước mắt khóc những đứa con không bao giờ trở lại. Máu người Việt vẫn đổ ngoài biển sóng Trường Sa, trên đường tuần tra biên giới, giữa cuộn ào nước lũ miền Trung... Mọi nỗi đau đều giống nhau và cũng đều khác nhau. Thế nhưng mọi nỗi đau đều dừng bên chân Mẹ. Đất nước này, Tổ quốc này nợ các mẹ nghĩa tình xương máu. Những người Việt máu đỏ da vàng nợ các mẹ niềm ghi dấu ơn sâu, tri ân hạnh phúc...
Gần 100 năm xa cách, hôm nay, các anh và đồng đội đã đón Mẹ ở nơi vĩnh hằng và cả ngày, chắc mẹ sẽ móm mém cười nhiều lắm. Hình tượng của Mẹ được xây dựng thành công trình tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng để ghi nhớ công ơn của các bà mẹ Việt Nam. Hơn tất cả, hình tượng của Mẹ đã khắc ghi trong con và những người Việt.
Những dòng này, con xin được xem như nén hương thành kính, khâm phục thắp trên bàn thờ Mẹ - NGƯỜI MẸ VIỆT NAM ANH HÙNG. Vĩnh biệt Mẹ - NGƯỜI MẸ TỔ QUỐC!
-----------------------------
Lễ viếng Mẹ bắt đầu từ 19 giờ ngày 10-12-2010, tại nhà riêng thôn Thanh Quýt 2, xã Điện Thắng Trung, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam; lễ truy điệu tổ chức hồi 8 giờ ngày 14-12-2010, di quan lúc 9 giờ cùng ngày; an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Điện Bàn.
Nguồn: Mai Thanh Hải-Blog.
No comments:
Post a Comment