Monday, April 9, 2012

Bánh Hỏi Diêu Trì


Bánh hỏi là đặc sản của Bình Định, thịnh và ngon nhất là ở DiêuTrì (Tuy Phước). Đến Diêu Trì là thấy nhan nhản những món ăn với những tấm quảng cáo "cháo lòng, bánh hỏi", món điểm tâm quyến rũ và phổ biến vì hương vị lạ mà giá lại rẻ.

* Nguồn gốc
Không biết nó có từ lúc nào và tại sao lại mang tên là bánh "hỏi". Theo suy nghĩ của giới cầm bút, vì sợi bánh xoăn xoăn như hình dấu hỏi (?) nên người ta đặt tên theo lối tượng hình. Thật tình cờ, có một lần gặp một cụ già ở địa phương thì cụ ấy cười và bảo rằng: "Đó là suy nghĩ của các ông, chứ bánh hỏi có từ xưa, nó có trước chữ quốc ngữ kia mà". Cụ giải thích thêm - Bánh hỏi là thứ bánh lạ, lúc đầu mới sản xuất ra, ai thấy cũng hỏi là bánh gì? Từ đó, cái tên bánh hỏi được khai sinh. Cùng thời với bánh hỏi có bánh tráng, bánh đúc, bánh ít và bún. Bánh hỏi là biến thể của bún tươi. Nhận thấy sợi bún lớn, ăn không ngon nên người thợ chế biến làm cho sợi bún nhỏ lại mà thành bánh hỏi.

* Cách chế biến

Bánh hỏi và bún có cách chế biến tương tự nhưng bánh hỏi được làm cẩn thận và công phu hơn. Gạo tám thơm được vo kỹ, ngâm nước một đêm. Vớt gạo đem xay nhuyễn bằng cối đá - thứ cối đá Diêu Trì. Bỏ gạo vào họng cối, quay cối, cứ dăm ba vòng lại thêm một ít nước để cối khỏi "nghẹn". Bột nước là một hỗn hợp nước sền sệt. Bột nước cho vào bao vải khô, "đăng" cho ráo nước. Đem hấp bột vừa đủ chín, nhồi và chia bột thành từng khối chừng nửa ký gọi là "giảo" bột đưa vào khuôn ép thành bánh.

Khuôn: là khối ống bằng đồng hay bằng sắt, đường kính chừng bảy, tám phân, chiều cao khối ống chừng hai mươi phân. Phần miệng ống hơi loe để tựa vào bàn gỗ. Đáy ống có một "rá", rá là lá đồng dày chừng vài ly, có nhiều lỗ nhỏ, vừa cỡ kim may luồn qua được. Bí quyết nghề làm bánh hỏi có sự đóng góp của lá đồng này. Lỗ nhỏ quá, bột không qua, lỗ lớn quá sợi bánh sẽ lớn như vậy ăn không ngon.
Ép bánh: Từng khối bột đã giảo, bỏ vào khuôn, rồi dùng một khối gỗ vừa lòng khuôn, ép cho bột chảy ra (giống như hoạt động của piston trong máy nổ). Bột khá đặc, lỗ lại nhỏ nên cần sức ép lớn, nên thợ phải dùng hệ thống đòn bẩy. Sức ép trên mặt khuôn lên đến vài ba trăm ký.
Một người ép một người bắt bánh. Mỗi lần ép đòn bẩy xuống là những vòi bột xoăn xoắn tuôn ra. Người thứ hai đưa tay hứng lấy và ngắt ra từng đoạn chừng 10cm. Đó là bánh thô. Bánh thô còn hấp cách thủy một lần nữa mới tiêu thụ.

Thưởng thức: Bánh làm xong có thể ăn ngay nhưng không ngon lắm vì đó chỉ là tinh bột. Dầu phụng đã khử chín thoa lên miếng bánh để thêm chút vị béo. Nhìn những miếng bánh trắng muốt, ươn ướt mỡ là thấy ngon nhưng chưa đủ. Bánh còn được rắc thêm lá hẹ. Hẹ màu xanh lục điểm trên bánh khiến bánh trở nên hấp dẫn hơn:
Mưa lâm râm ướt dầm lá hẹ

Em thương một người có mẹ không cha

Bánh xèo bánh đúc có hành hoa

Bánh hỏi thiếu hẹ như ma không kèn.

Thật vậy, hẹ chỉ điểm tô cho bánh hỏi, không dùng cho các thứ bánh khác. Hẹ tuy cùng họ với hành, tỏi nhưng lá rất xanh, hương lại nhẹ nên hẹ rất hợp với bánh hỏi. Bánh vừa đẹp lại vừa thơm nhẹ. Phải chăng đó là nghệ thuật?
Nước chấm: Thông thường là nước mắm pha loãng cùng với ớt, tỏi, đường, chanh. Chính thứ nước chấm này làm cho bánh bớt khô ráp giúp dễ nuốt, ăn được nhiều. Đó là cách ăn bình dị nhất

* Nét đặc biệt của bánh hỏi Diêu Trì

Vào một quán bánh hỏi ở Diêu Trì, khi gọi món này là bạn sẽ được thưởng thức thêm hai món nữa, đó là cháo và lòng.

Cháo khá loãng, nấu bằng huyết ninh với thịt nạc băm. Cháo vừa ngọt lại vừa loãng, thơm. Cháo là món đưa "trơn" mà không cần dùng rượu. Cạnh là đĩa lòng heo. Lòng được chế biến rất khéo, có lẽ không nơi nào bằng. Những miếng gan dày, miếng dồi màu nâu, khoanh tròn bên cạnh những miếng tim deo dẻo, miếng cổ dai dai giòn giòn, và cả miếng bầu dục mong mỏng. Những thứ này ăn kèm với bánh hỏi, khiến bánh hỏi trở nên béo bở, ngon ngọt khác thường. Thỉnh thoảng húp một muỗng cháo lòng - Thỏa như "uống rượu mà không say".

Bí quyết của bánh hỏi Diêu Trì là ở đó. Đến các nơi khác cũng được ăn món này nhưng cái ngon không sao bì kịp. Nếu có dịp về Bình Định xin mời bạn thưởng thức món bánh hỏi lòng heo. Hương vị Bình Định như đọng lại nơi đó.

Theo Văn hóa Ẩm thực Bình Định

No comments:

Post a Comment