Monday, April 9, 2012

Bánh Xèo Bình Định

Trong đời sống ẩm thực của người Bình Định có rất nhiều món ăn dân dã nhưng lại làm vừa lòng không ít du khách phương xa khi đặt chân đến miền đất này. Ngoài các loại bánh có nguồn gốc xuất xứ và đang thịnh ở miền đất võ như: bánh ít lá gai, bánh hỏi, bánh tráng dừa…, phải kể đến đặc sản bánh xèo.
Khác với bánh xèo xứ Huế, chất liệu tạo ra bánh xèo Bình Định khá khiêm tốn nhưng hương vị không kém phần đặc trưng, hấp dẫn. Chất liệu chính làm ra bánh xèo chỉ có gạo, tôm, thịt bò, giá sống và một vài loại rau bản địa… Hầu hết các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đều xuất hiện những hàng quán bán bánh xèo. Danh tiếng nhất trong số các “địa chỉ bánh xèo” phải kể đến thương hiệu bánh xèo Năm Tuấn ở thôn Mỹ Cang, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước (Bình Định). Người tạo ra thương hiệu này là cụ bà Lý Thị Thu, năm nay đã bước qua tuổi 70.

Quán bánh xèo Năm Tuấn cách nội thành Quy Nhơn khoảng 30 km, nằm khiêm tốn bên trục đường tỉnh lộ hướng về Khu Kinh tế Nhơn Hội, di tích lịch sử – văn hóa – danh lam thắng cảnh cấp quốc gia Núi Bà, bãi biển Trung Lương (Phù Cát) nổi tiếng xinh đẹp, nhưng hằng ngày khách đến thưởng thức bánh vẫn tấp nập; cánh nhà báo, nhà đài vẫn hay lui tới “mục sở thị” cách bà Thu chế tác bánh để viết bài, thực hiện phóng sự… Kinh nghiệm gắn bó với nghề suốt 20 năm của bà Thu đã giúp bà tạo ra hương vị bánh “có một không hai”, thưởng thức một lần sẽ nhớ mãi.


Mỗi ngày bà Thu chỉ sử dụng 1 ký gạo, 2 ký tôm, một ít rau sống, giá tươi để làm bánh phục vụ khách. Điều đặc biệt tại quán bánh xèo Năm Tuấn là thời gian mở quán tiếp khách luôn cố định từ 7 giờ sáng và dù nhu cầu của khách luôn tăng cao nhưng lượng nguyên liệu để làm bánh vẫn không bao giờ thay đổi. Để thưởng thức được bánh xèo Năm Tuấn, khách phải tranh thủ đi đúng giờ để “chớp” thời cơ thưởng thức, bởi đi muộn, bánh mà quán làm ra sẽ bán hết.
Dù khách “xịn” đi bằng ô tô hay những cư dân quanh vùng, mỗi khi vào quán Năm Tuấn đều phải ngồi đợi trong một gian nhà mái tranh vách đất cổ xưa. Bao nhiêu năm qua, “cơ ngơi” của bà Thu vẫn chưa có dấu hiệu gì thay đổi. Mỗi sớm, bà Thu rảo một vòng chợ quê, gặp những mối hàng để lấy nguyên liệu về làm bánh. Giá mỗi cái bánh 6.000 đồng, nhưng bà Thu luôn tinh ý chọn những nguyên liệu làm bánh hảo hạng nhất và không hề thay đổi nó. Gạo phải được xay từ loại lúa ở cánh đồng khu Đông. Tôm phải là loại tôm đất sống nước lợ ở đầm Thị Nại. Nước chấm phải được pha chế từ loại nước mắm nguyên chất…

Sau 3 phút hun nóng trên khuôn bánh bằng than hồng, bánh xèo Năm Tuấn tỏa vị hương thơm lựng. Chiếc bánh được tán mỏng, nổi rõ những con tôm đất tròn mẩy hươm vàng. Thưởng thức bánh giữa khung cảnh làng quê dung dị, yên bình, lòng chợt thấy thảnh thơi lạ kỳ…

No comments:

Post a Comment